GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 02-2024

Thứ sáu - 29/03/2024 08:27
Kính thưa quý thầy cô giáo, kính thưa các bạn học sinh thân mến! Nhà văn người Nga Macxim-Gorki từng nói: "Sách mở ra trước mắt ta những chân trời mới". Vậy nên sách luôn giữ được vị trí quan trọng trong việc học tập và bồi dưỡng kiến thức cho con người. Mọi cuốn sách mở ra là cả một kho tàng tri thức lớn với vô vàn nội dung khác nhau. Không chỉ gần gũi, thân quen với con người mà sách còn là vật thông dụng nhất, song cũng là tài sản quý giá nhất được lưu trữ.
GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 02-2024
     Một trong những cuốn sách mà các em học sinh lớp 9C muốn giới thiệu đến thầy cô giáo và các bạn là tập bút ký: "Đường biên cương dệt mùa Xuân" của đại úy quân nhân chuyên nghiệp, nhà thơ Phạm Vân Anh - Trợ lý Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng, hội viên hội nhà văn Việt Nam. Cuốn sách được NXB quân đội nhân dân Việt Nam xuất bản năm 2017. Nổi bật với bìa sách sách màu xanh lá cây điểm thêm vài cành đào ở trên cùng, cuốn sách trở nên thật thu hút biết bao từ vẻ ngoài của nó.   
GTS T2 1

     Tập bút kí là những câu chuyện thấm đẫm chất thơ, chất nhạc về mọi nẻo biên cương Tổ Quốc. Đồng thời “Đường biên cương dệt mùa Xuân” còn là một tổng hòa những bản tình ca về tình hữu nghị giữa các dân tộc anh em, giữa các quốc gia có chung đường biên, đặc biệt là có chung một dòng Mekong huyền thoại: Việt Nam - Lào - Campuchia - Mianmar - Thái Lan - Trung Quốc.
 
GTS T2 2

     Ghi chép, hoà mình, thấu hiểu, cảm thương… tất cả đều chứa đựng trong tập bút kí "Đường biên cương dệt mùa xuân’’. Cuốn bút kí của thiếu tá Phạm Vân Anh gồm có 26 nội dung, mỗi nội dung là một câu chuyện vùng biên từ những câu chuyện đi dọc biên cương theo tiếng nhạc mùa xuân, tình phù sa, lang thang miền dã sử cho tới những câu chuyện Tết Việt trên biên giới Lào, người Lô Lô trên biên cương cực Bắc hay vũ điệu trên than hồng… Tất cả những màu sắc vùng biên và câu chuyện của những dân tộc sống ở vùng giáp biên giới đã lần lượt hiện lên trong cuốn sách này qua cách kể chuyện đầy thú vị của tác giả. Đến với những trang sách đầu tiên "Đi dọc biên cương theo tiếng nhạc mùa xuân’’, ta thấy được điều rất đặc biệt bởi nó có sự trùng lặp về âm thanh, về hình ảnh với nhan đề của cuốn sách. Tác giả cũng có lí giải về sự trùng lặp thú vị này rằng khi bạn lên biên giới vào mùa xuân, đi dọc trên con đường mùa xuân đó thì sẽ thấy những cung đường âm nhạc, những cảnh sắc mà dù chỉ 1 tiếng lá rơi hay tiếng suối chảy, tiếng chim hót, tiếng gió thổi thôi cũng như là một bản nhạc, như 1 khúc ca của thiên nhiên, của đất trời. Dù trùng lặp là thế nhưng tập sách "Đi dọc biên cương theo tiếng nhạc mùa xuân’’ lại mang một ý nghĩa khác. Những người lính biên phòng sẽ có các cung đường tuần tra biên giới và khi tuần tra biên giới thì sự tuần tra đó là một hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng. Những người lính biên phòng đi trên con đường mùa xuân ấy không chỉ đơn giản là tuần tra mà họ còn thể hiện sự hiện diện, tính pháp lý và chủ quyền của dân tộc Việt Nam trên biên giới. Và thiếu tá Phạm Vân Anh nghĩ rằng họ đang dệt lên một mùa xuân - một mùa xuân no ấm cho quê hương, một mùa xuân no ấm cho đồng bào thiểu số và còn rất nhiều nội dung khác mang màu sắc dân tộc sống ở các tỉnh biên giới bên trong cuốn bút kí này.
     Nhìn trên bản đồ sẽ dễ dàng nhìn thấy đường biên cương Tổ quốc với chùm biển núi rừng hùng vĩ tựa như chiếc xương sống của con rồng khổng lồ và những nhánh núi chạy hướng ra biển là những dải xương sườn kiến lập nên một cảnh thế núi sống vững chãi. Trong tâm thức mỗi người, biên giới chính là hành lang giới hạn không gian sinh tồn của dân tộc Việt, là nơi đất nước, nhân dân ta mở của đón chào bạn bè khắp năm châu bốn biển. Nữ nhà văn áo lính Phạm Vân Anh đã mở đầu tập bút kí bằng những hình tượng về biên cương kì vỹ và đẹp đẽ như thế. Bảo vệ biên giới không có nghĩa là lúc nào hai ben cũng đối đầu mà điều tác giả muốn nói ở đây là phải cùng xây dựng tình doàn kết giữa các dân tộc sống có chung  đường biên, sao cho biên cương luôn là nơi bình yên chim hót, mãi mãi mang một thông điệp hoà bình. Tập bút kí thuần biên giới này là những bài kí mà tác giả từng mắt thấy tai nghe, mang hơi thở nồng nàn của cuộc sống. Cuốn sách “Đường biên cương dệt mùa xuân” đã nhận được giải thưởng tác phẩm văn học hay của Bộ Quốc Phòng bởi những câu chuyện thực tế, cách kể chuyện nhẹ nhàng, thú vị và cuốn sách dự định sẽ tham gia nhiều giải thưởng trong nước thời gian tới.
     Các bạn thân mến, một cuốn sách hay luôn đem tới cho đọc giả rất nhiều điều hữu ích cũng như ý nghĩa trong cuộc sống. Tập bút ký:" Đường biên cương dệt mùa Xuân" của tac giả Phạm Vân Anh là một bút ký về biên cương có cả tính tổng hợp cao cả chiều dài biên giới Việt Nam. Nó không chỉ phản ảnh về những vấn đề thuộc về cương vực lãnh thổ mang tính luật pháp quốc tế mà còn là bức tranh khắc họa toàn cảnh về đời sống của cả miền biên cương đầy màu sắc đa dạng phong phú. Đặc biệt hơn cả chính là hoạt động của những chiến sĩ quân hàm xanh thực hiện những nhiệm vụ Tổ Quốc giao cho, góp phần đưa biên cương trở thành điểm sáng về hội nhập quốc tế, chào đón bạn bè bốn phương đến với đất nước Việt Nam xinh đẹp. Và tập bút ký hiện đã có trong giá sách của thư viện Trường THCS Mỹ Hưng với mã số STK/3056. Các bạn hãy nhanh chân đến với thư viện để đọc và hiểu biết thêm nhiều điều nhé! 
Chi đội lớp 9C

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây